Đó là chủ đề của Diễn đàn cấp cao về Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 do Trường Đại học Vinh phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng ngày 05/7/2024 tại Trường Đại học Vinh.
Tham dự Diễn đàn có GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS. Nguyễn Văn Song, Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế; GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, Thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế; GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh doanh Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Ủy viên Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương; TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đông đảo Lãnh đạo các sở, ngành của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; các nhà khoa học; các doanh nghiệp.
Về phía Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng; PGS.TS. Hạ Thị Thiều Dao - Phó Hiệu trưởng; đại diện Lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, giảng viên của Trường.
Về phía Trường Đại học Vinh có PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường Đại học Vinh; đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, học viên của Trường Kinh tế thuộc Trường Đại học Vinh.
Đại biểu tham dự Diễn đàn
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nồng nhiệt chào mừng quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đã đã về tham dự Diễn đàn cấp cao về Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 "Chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển".
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau một giai đoạn khó khăn vào năm 2023. Ngân hàng Thế giớidự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,5% trong năm 2024 và có thể tăng lên 6,0% vào năm 2025.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với một số rủi ro. Các rủi ro tín dụng trong khu vực tài chính, khả năng vỡ nợ của một số chủ đầu tư bất động sản, và khó khăn trong phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những thách thức lớn cần được giải quyết để duy trì đà tăng trưởng.
Diễn đàn cấp cao về Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 là diễn đàn quan trọng, xác định rõ những cơ hội, thách thức mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả, phân tích được các vấn đề kinh tế nổi bật, gợi mở thêm các chính sách điều hành cho các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2024 so với dự báo của các tổ chức quốc tế.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 trong khoảng 6,3 - 6,7% (cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023). Trong đó, để đạt được mức này thì tăng trưởng GDP quý III phải đạt 6,14 - 6,89% và tăng trưởng GDP quý IV là 6,17 - 6,91%. Đồng thời, tăng trưởng khu vực công nghiệp là 7 - 7,5%.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại Diễn đàn
Tuy vậy, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung cũng lưu ý rằng, mức tăng trưởng 6,42% của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm chủ yếu dựa trên nền tảng khiêm tốn của cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 7,54% do mức nền năm 2023 thấp. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng suy giảm với mức tăng 8,6%, thấp hơn so với mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2023. Đầu tư toàn xã hội 6 tháng ước đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2018 - 2024, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2020 và 4,7% của cùng kỳ năm 2023.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết, mức dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra cho năm 2024 là 6,3 - 6,5%, khá sát với mục tiêu của Chính phủ (6 - 6,5%). Nhìn chung, các mức dự báo đưa ra tại Diễn đàn đều cao hơn dự báo từ các định chế, tổ chức quốc tế về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV báo cáo
Một báo cáo của World Bank vừa công bố hồi tháng 6 dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 5,5% trước khi cải thiện lên 6% vào năm 2025. Mức tăng trưởng dự kiến này cao hơn so với khu vực cũng như các quốc gia lân cận như Trung Quốc là 4,5%; Thái Lan là 2,8%; Singapore là 2,3%, Lào là 4%, Indonesia là 4,9%, Malaysia là 4,3%...; chỉ thấp hơn Philippines và Campuchia là 5,8%. World Bank dự báo tăng trưởng chung của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2024 ở mức 4,5%.
Trước đó, dự báo của IMF công bố hồi tháng 4 nhận định, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 5,8%. Dự báo của ADB là 6% và dự báo của Liên hợp quốc (UN) là 6%.
Toàn cảnh Diễn đàn
Đánh giá về bức tranh kinh tế nửa cuối năm 2014, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung cho rằng, nền kinh tế được hỗ trợ bởi loạt nhân tố tích cực như tiêu dùng duy trì sự tăng trưởng ở mức ổn định; đầu tư FDI trở lại sau một năm không tăng; các dự án, công trình giao thông trọng điểm đang được tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn giải ngân; tăng trưởng xuất khẩu duy trì phong độ phục hồi. Bên cạnh đó, sản xuất của các khu vực mặc dù chưa có sự chuyển mình đáng kể nhưng cũng sẽ tăng trưởng ở mức ổn định khi tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi về trạng thái bình thường.
Chiều ngược lại, mục tiêu tăng trưởng cũng sẽ gặp thách thức do rủi ro xung đột địa chính trị; diễn biến đầy biến động của giá năng lượng và nguyên liệu thế giới có thể gây áp lực lên lạm phát 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều do lo ngại bùng phát lạm phát. Sự cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu có ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung lưu ý, trạng thái "bình thường mới" (lãi suất duy trì ở mức thấp nhưng tín dụng không tăng) có thể quay trở lại trong giai đoạn cuối năm nay. Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thâm dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng năng suất và giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua tự động hóa quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu và dự đoán thị trường và tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quản lý rủi ro.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc và PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh chủ trì Diễn đàn
Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, thời gian tới, chính sách tài khóa cần giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải pháp đầu tư công, còn chính sách tiền tệ đóng vai trò bổ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu. TS. Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất (nhất là lãi suất cho vay), lành mạnh hóa thị trường tài chính - tiền tệ.
Cũng tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, gợi mở các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ; quy luật kinh tế thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Một số đại biểu đã phân tích tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đào tạo, trang bị kỹ năng số, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại của Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích các vấn đề về quản trị công ty trong bối cảnh VUCA
TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu
Các đại biểu phát biểu tại Diễn đàn
Kết thúc Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự tham dự và đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế. Diễn đàn thực sự là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và các bên liên quan phân tích, chia sẻ về những kết quả, thành tựu nổi bật và cả những khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam; dự tính, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm; đưa ra những kiến nghị, giải pháp hiệu quả để chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết các nội dung của Diễn đàn
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
TT. ĐHV