Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

Xây dựng mô hình đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

 

           Mới đây, trong ngày lễ tốt nghiệp, 51 sinh viên khoa Nông- Lâm- Ngư trường ĐH Vinh đã được các doanh nghiệp đến trực tiếp phỏng vấn, tuyển dụng. Đây là "sự kiện" hiếm có trong điều kiện hiện nay khi mà nhiều sinh viên đang chật vật tìm việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học, thậm chí nhiều người thất nghiệp.
            Được thành lập năm 2002, khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh là một khoa trẻ, có chức năng đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ Đại học, Thạc sỹ thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thuỷ sản. Hiện nay khoa đảm nhận đào tạo 3 ngành kỹ sư: Nông học, Nuôi trồng thuỷ sản, Khuyến nông và PTNT; 2 ngành thạc sỹ chuyên ngành: Trồng trọt và Nuôi trồng thuỷ sản. Cơ sở vật chất của khoa hiện có 6 phòng thí nghiệm chuyên đề, 16 phòng thí nghiệm thực hành và 3 trại thực nghiệm, với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình học tập được tiếp xúc với khoa học công nghệ cao, gắn kết việc học lý thuyết với thực hành.
 
 
Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Nông Lâm Ngư
 
            Hiện khoa đã ký kết với 25 công ty, doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Vào đầu mỗi năm học, khoa tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp để nghe ý kiến phản hồi của họ về chương trình đào tạo của khoa, về năng lực của sinh viên, đưa ra các kiến nghị, đề xuất, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, dạy những cái sinh viên còn thiếu, còn yếu.
            Đồng thời, mở rộng liên kết với các cơ sở sản xuất, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc trong tương lai, học tập tác phong làm việc và rèn luyện kỹ năng. Song song với đó, khoa triển khai các dự án mang tính thực tiễn, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ mang "thương hiệu" của khoa như: chọn tạo giống cây trồng; sử dụng các chế phẩm sinh học sản xuất rau an toàn; trồng khảo nghiệm các giống mới trên địa bàn Nghệ An...
            Đặc biệt, trong những năm gần đây khoa đã hợp tác với Tổng công ty OLECO trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi sinh viên đi thực tập sinh tại ISRAEL trong thời gian 10 tháng với mục đích tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với nền Nông nghiệp công nghệ cao. Hiện đang có khoảng 65 sinh viên của khoa được thực tập tại ISRAEL với mức thu nhập từ 700 - 1000 USD/tháng.
            Do chú trọng công tác gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn nên 90% sinh viên của khoa sau khi ra trường đều có việc làm ngay, đặc biệt có khoảng 75% sinh viên được các nhà tuyển dụng tiếp nhận ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, thậm chí có chuyên ngành khi sinh viên mới học năm thứ 3 đã có nhiều nhà tuyển dụng đăng ký.
            Sau 8 năm thành lập, khoa đã có khoảng trên 2500 sinh viên tốt nghiệp ra trường, trong đó 100% có việc làm ổn định, thu nhập khá, nhiều sinh viên phát huy được năng lực, sở trường của bản thân và đã đảm nhận những vị trí chủ chốt ở các công ty, doanh nghiệp.
            Điển hình như sinh viên Trần Văn Thắng (Khoá 48 Nông học) sau hai tháng thực tập tại ISRAEL nhờ có kỹ năng, giỏi tiếng Anh đã được cử làm chỉ huy nhóm, hưởng mức lương cao; sinh viên Dương Xuân Mạnh (Khoá 46 ngành Nông học) hiện là Nhóm trưởng quản lý mảng Bảo vệ thực vật và Vật tư Công ty sữa T.H; sinh viên Nguyễn Văn Vượng (khoá 47 ngành Khuyến nông) hiện làm trợ lý giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Stevia Á Châu; sinh viên Nguyễn Văn Hiệp (K44 Nông học) đảm nhận vị trí Trưởng phòng nhân sự khu vực phía Bắc của Công ty Giống cây trồng Nông hữu...
            Riêng khoá 47 Nông học và Nuôi trồng thuỷ sản (2006-2011) có 51 sinh viên tốt nghiệp thì 100% sinh viên được các công ty, doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Uni-President, Công ty Giống cây trồng Nông hữu, Công ty Việt Bim, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Stevia Á Châu... đến trường trực tiếp phỏng vấn và tuyển dụng.
            Cách làm của khoa Nông Lâm Ngư (Trường ĐH Vinh) là một mô hình để các cơ sở đào tạo học tập, rút kinh nghiệm. Vấn đề đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tạo dựng mối liên kết giữa "Nhà trường - Doanh nghiệp" là vấn đề mấu chốt, có tính chất "sống còn" của các cơ sở giáo dục, đào tạo chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Thanh Phúc (Báo Nghệ An)