Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

Thay đổi cách học với sinh viên sư phạm

Chuyển từ trang bị nội dung kiến thức, nghiệp vụ sư phạm sang phát triển năng lực khoa học, năng lực giáo dục cho sinh viên các trường đại học Sư phạm. Đó là  yêu cầu đổi mới trong cách đào tạo sinh viên Sư phạm mà Bộ GD – ĐT vừa ban hành.

Đang đứng ngoài luồng ?

Tại Hội nghị Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông của các trường đại học Sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện nay, không có sự khác biệt giữa cơ sở đào tạo Sư phạm và các cơ sở đào tạo ngành khoa học cơ bản. Tại các trường Sư phạm, giảng viên Sư phạm không rõ trường phổ thông đang dạy gì, sẽ có gì thay đổi về mục tiêu, nội dung dạy học. Vì thế, sản phẩm của trường Sư phạm cũng mơ hồ với thực tiễn giáo dục tại trường phổ thông. “Sinh viên Sư phạm không được thở, được sống với những vấn đề của đời sống xã hội hiện nay, không có những trăn trở với những tiêu cực trong đời sống, không có sự trắc ẩn và tham gia giải quyết những vấn đề khác nhau đang diễn ra, sẽ khó có thể trở thành những giáo viên am hiểu, tâm huyết với giáo dục và biết yêu thương học sinh”, ông Hiển nhấn mạnh.

ThS Hoàng Thị Hạnh, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, đã khảo sát 300 sinh viên năm thứ ba về việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Kết quả cho thấy, có đến 50,5% sinh viên cho rằng, hoạt động đó “không quan trọng”, 30,5% sinh viên trả lời “ít quan trọng”, 11 % sinh viên nói là “quan trọng” và chỉ 8% sinh viên nói hoạt động này “rất quan trọng”. “Những sinh viên được khảo sát đã học hết năm thứ ba và chuẩn bị đi thực tập nhưng lại khá mơ hồ về tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Trong khi đó, hoạt động này là một bộ phận của quá trình giáo dục trong trường phổ thông”, bà Hạnh nói.

Sinh viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM trong giờ tự học ở trường.

Sinh viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM trong giờ tự học ở trường.

Hiện nay, hầu hết sinh viên đặt tầm quan trọng của giáo án lên hàng đầu. Phần lớn sinh viên đi thực tập dành nhiều thời gian cho việc soạn giáo án chứ không tập trung để tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Trong khi, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dự án nghiên cứu, học tập từ thực tế đang là một trong những mục tiêu chính của đổi mới giáo dục phổ thông lần này. Phải chăng, sinh viên Sư phạm đang đứng ngoài luồng của sự đổi mới?

Hiện nay, việc nghiên cứu khoa học ở phổ thông đã trở thành một trong những hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều học sinh. Nhưng rất nhiều sinh viên Sư phạm ra trường lại không có khả năng hướng dẫn học sinh. Lý do là khi học trong trường Sư phạm, sinh viên đã không được hướng dẫn, tham gia nghiên cứu khoa học. Giảng viên Sư phạm đầu tư cho nghiên cứu khoa học ít, nên cũng không tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia. Lý giải vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP. HCM, cho biết, kinh phí cấp cho việc nghiên cứu khoa học của sinh viên quá thấp, khoảng 6 – 7 triệu đồng/năm và những bất cập khác, nên mỗi trường sư phạm, nhiều nhất chỉ có thể triển khai 7 – 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Tỷ lệ giảng viên có đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường cũng chỉ 10 – 15%.

Đổi mới mạnh mẽ

Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang đặt ra nhiều thách thức cho việc đào tạo sinh viên Sư phạm. Do đó, việc đào tạo sinh viên Sư phạm cần phải xây dựng hệ thống cơ sở thực hành, giống như đào tạo ở các trường Kỹ thuật có xưởng thực hành, trường Y có bệnh viện, trường Quân sự có thao trường. PGS. TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cho biết, nhiều năm qua, trường ĐH Sư phạm đã phối hợp với Sở GD – ĐT Đà Nẵng xây dựng mô hình mới cho hệ thống thực hành, phục vụ cho việc đào tạo sinh viên Sư phạm và gọi là hệ thống trường vệ tinh. Những trường vệ tinh góp phần rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học, phát triển năng lực nghề nghiệp của sinh viên Sư phạm. Đến nay, trường ĐH Sư phạm đã có 4 trường vệ tinh. Sắp tới, trường ĐH Đà Nẵng sẽ nhân rộng mô hình này ra các trường phổ thông ở Đà Nẵng.

Việc phối hợp giữa các trường Sư phạm sẽ góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ sở đào tạo giáo viên, chia sẻ mô hình, chương trình đào tạo, kinh nghiệm tổ chức, quản lý đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, nguồn học liệu. Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành một số mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học bằng nhiều hình thức, như hiệp hội, câu lạc bộ… Riêng khối đại học đã hình thành nhóm 7 trường: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP. HCM, ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm (ĐH Huế), ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). GS. TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, nhận định: “Sự phối hợp giữa các trường đào tạo Sư phạm sẽ giúp sinh viên được thực hành, thể nghiệm kỹ năng nghề nghiệp ngay trong trường và tạo không khí học tập sôi nổi cho sinh viên. Từ thực hành, sẽ có những đề án, chương trình mà sinh viên có thể tham gia. Đây cũng là cách để thu hút học sinh vào học”.

PGS. TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP. HCM, cho rằng: “Cần phải nâng chuẩn đầu vào của sinh viên Sư phạm. Nghề sư phạm là nghề đào tạo ra sản phẩm con người nên tiêu chí phải cao hơn. Nếu đầu vào không chuẩn, sinh viên không giỏi, rất khó để đào tạo thầy giỏi”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, các trường Sư phạm không nên máy móc chờ có văn bản cụ thể chỉ đạo, mà ngay bây giờ phải triển khai việc đổi mới đào tạo giáo viên, khắc phục các bất cập, đặc biệt là gắn mục tiêu, yêu cầu giáo dục phổ thông mới vào việc đào tạo. Trong nội dung đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới, việc dạy tích hợp và phân hóa, dạy theo chuyên đề sẽ được chú trọng. Vì vậy, các trường cần tính toán điều chỉnh từ cơ chế quản lý đến nội dung đào tạo để phù hợp với thực tiễn. Sinh viên Sư phạm cũng cần được tăng thời lượng, tăng mức độ trong việc tiếp cận với hoạt động thảo luận, nghiên cứu, đổi mới thực tập sư phạm, để sinh viên làm quen với cách tổ chức cho học sinh học tập, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

Ông Hiển nhấn mạnh: “Hồ sơ đánh giá sinh viên Sư phạm cần phải thay đổi. Để giáo viên trong tương lai có thể biết cách chủ động lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu dạy học trong bối cảnh một chương trình nhiều bộ sách, việc này cũng phải cho sinh viên làm quen từ môi trường sư phạm”.■

QUANG DUY

***THÍ SINH GIỎI VÀO SƯ PHẠM

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, từ năm 2012, chính sách phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được ban hành, nhiều học sinh giỏi, xuất sắc đã thi vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội.Các lớp chất lượng cao ở các khoa của trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một minh chứng.Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang có những nghiên cứu một cách khoa học về chính sách, thực tế đào tạo nhằm hút những sinh viên giỏi vào học.

Bài viết đăng trên Sinh Viên Việt Nam số 25, ra ngày 22/06/2015

Tin liên quan

Xem thêm