Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

8 nhà giáo của Trường Đại học Vinh được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2023

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 cho 630 nhà giáo, trong đó có 58 giáo sư, 572 phó giáo sư.

Trường Đại học Vinh có 8 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư được công nhận lần này. Đó là các nhà giáo: TS. Nguyễn Thị Giang An, Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường Sư phạm; TS. Hồ Thị Diệu Ánh, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Kinh tế; TS. Đào Thị Minh Châu, Giảng viên chính khoa Sinh học, Trường Sư phạm; TS. Nguyễn Anh Chương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Trường, Thư ký Hội đồng Trường; TS. Đậu Xuân Đức, Giảng viên chính Khoa Hóa học, Trường Sư phạm; TS. Nguyễn Thị Châu Giang, Phó Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, Trường Sư phạm; TS. Phạm Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển học liệu số, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trực tuyến; TS. Phạm Thị Huyền Sang, Trưởng khoa Luật học, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.


Chân dung 8 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư

1) TS. Nguyễn Thị Giang An

TS. Nguyễn Thị Giang An tốt nghiệp đại học ngành Cử nhân khoa học và Thạc sĩ chuyên ngành Sinh lý người và động vật tại Trường Đại học Vinh; được cấp bằng Tiến sĩ Sinh học chuyên ngành Sinh lý người và động vật tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Giang An tốt nghiệp đại học ngành Cử nhân khoa học và Thạc sĩ chuyên ngành Sinh lý người và động vật tại Trường Đại học Vinh; được cấp bằng Tiến sĩ Sinh học chuyên ngành Sinh lý người và động vật tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Nguyễn Thị Giang An: Hướng nghiên cứu 1: Ứng dụng công sinh học trong nghiên cứu sinh lý người và động vật; Hướng nghiên cứu 2: Nghiên cứu thử nghiệm hoạt tính sinh học của các hợp chất tự nhiên.

Trong hơn 28 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Vinh, TS. Nguyễn Thị Giang An đã hướng dẫn 11 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; chủ trì và tham gia 8 đề tài khoa học các cấp, trong đó chủ nhiệm 3 đề tài cấp Trường, 1 đề tài nhánh cấp Nhà nước, 1 đề tài phát triển chương trình đào tạo của trường; công bố 45 bài báo khoa học, trong đó 13 bài trên tạp chí khoa học quốc tế, đứng đầu hoặc tác giả liên hệ 21 bài bài báo trong đó có 4 bài báo Quốc tế trong danh mục ISI/Scopus; xuất bản 1 sách chuyên khảo, chủ biên 2 giáo trình đại học.

TS. Nguyễn Thị Giang An đã giảng dạy nhiều học phần đại học của 5 ngành đào tạo, Cử nhân Sư phạm Sinh học, Cử nhân điều dưỡng, Cử nhân Sư phạm Mầm non, Cử nhân Giáo dục Tiểu học và Cử nhân Giáo dục Thể chất; đã tham gia giảng dạy và biên soạn tài liệu cho các học phần cao học ngành Sinh học thực nghiệm và ngành Giáo dục Tiểu học. 

2) TS. Hồ Thị Diệu Ánh

TS. Hồ Thị Diệu Ánh tốt nghiệp đại học và Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; được cấp bằng Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Quản trị nhân lực cũng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Hồ Thị Diệu Ánh: Nhân lực và phát triển doanh nghiệp; Việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.

TS. Hồ Thị Diệu Ánh đã hướng dẫn 9 thạc sĩ; hoàn thành 1 đề tài NCKH cấp Bộ, 4 đề tài NCKH cấp Trường; công bố 33 bài báo khoa học, trong đó có 12 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín và 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế thường, 3 bài hội thảo quốc tế, 15 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và hội thảo quốc gia; xuất bản 3 cuốn sách.


Phiên họp của Hội đồng giáo sư cơ sở Trường Đại học Vinh xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2023

3) TS. Đào Thị Minh Châu

TS. Đào Thị Minh Châu tốt nghiệp đại học ngành Sinh học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội; tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học tự nhiên, ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Trường SERD (School of Environment, Rural and Development), Học viện Công nghệ Châu Á (AIT), Bangkok, Thái Lan; được cấp bằng Tiến sĩ ngành Sinh học, chuyên ngành Thực vật học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Đào Thị Minh Châu tập trung trên các loài thực vật có mạch rừng nhiệt đới ở Khu vực Bắc Trung Bộ và các giá trị của chúng, đặc biệt là nhóm tài nguyên Lâm sản ngoài gỗ. Các nghiên cứu gồm 2 hướng sau đây: Hướng thứ nhất: Nghiên cứu về đa dạng và giá trị của tài nguyên thực vật, gồm các phân hướng: Đánh giá sự phong phú và đang dạng sinh học của tài nguyên thực vật; Lập danh lục các loài thực vật là Lâm sản ngoài gỗ và mức độ nguy cấp, cạn kiệt của chúng; Đánh giá thành phần hóa học tinh dầu và hoạt tính sinh học của các loài thuộc nhóm cây dược liệu. Hướng thứ hai: Nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp quản lý, phát triển bền vững môi trường và tài nguyên rừng, gồm các phân hướng: Đánh giá hiện trạng và các vấn đề trong khai thác và quản lý tài nguyên rừng; Đánh giá vai trò của tài nguyên rừng đối với đời sống cộng đồng; Nghiên cứu các điều kiện sinh thái, kinh tế xã hội và kỹ thuật để đẩy mạnh việc nhân giống, gây trồng và phát triển các loài Lâm sản ngoài gỗ có giá trị; Đề xuất các biện pháp giáo dục môi trường.

Trong gần 21 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Vinh, TS. Đào Thị Minh Châu đã chủ trì và tham gia 9 đề tài khoa học các cấp, trong đó chủ nhiệm 2 đề tài cấp Trường, 2 đề tài cấp Tỉnh, 1 đề tài cấp Bộ, thư ký 1 đề tài Nafosted; hướng dẫn 5 thạc sĩ; công bố 41 bài báo khoa học, trong đó 19 bài trên tạp chí khoa học quốc tế, đứng đầu hoặc là tác giả liên hệ 18 bài với 4 bài đăng trên tạp chí quốc tế; xuất bản 6 sách, gồm 3 sách chuyên khảo, 3 giáo trình đại học, trong đó chủ biên 2 giáo trình.

4) TS. Nguyễn Anh Chương

TS. Nguyễn Anh Chương tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lịch sử và Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Thế giới tại Trường Đại học Vinh; được cấp bằng Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử cận hiện đại Trung Quốc tại Trường Đại học Nam Kinh, Trung Quốc.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Nguyễn Anh Chương: 1) Quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay; 2) Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI và những vấn đề nổi bật của ASEAN; 3) Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

TS. Nguyễn Anh Chương đã hướng dẫn 9 thạc sĩ; chủ nhiệm và hoàn thành 2 đề tài NCKH cấp cơ sở, trong đó có 1 đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Trường; công bố 42 bài báo và báo cáo khoa học trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị/hội thảo khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 4 bài trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, 3 bài trên các tạp chí khoa học quốc tế khác; xuất bản 3 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, giáo trình phục vụ nghiên cứu và đào tạo; chủ trì phát triển chương trình đào tạo khối kiến thức Sư phạm Lịch sử 3 theo tiếp cận CDIO; tham gia phản biện nhiều bài báo của Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc.


Phiên họp của Hội đồng giáo sư Nhà nước xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2023

5) TS. Đậu Xuân Đức

TS. Đậu Xuân Đức tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Hóa học và Thạc sĩ ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa hữu cơ tại Trường Đại học Vinh; được cấp bằng Tiến sĩ ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa hữu cơ tại Trường Đại học Wollongong, Australia.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Đậu Xuân Đức: Tổng hợp hữu cơ; nghiên cứu cấu trúc, tính chất và hoạt tính sinh học của các hợp chất thiên nhiên.

TS. Đậu Xuân Đức đã hướng dẫn 11 thạc sĩ; hoàn thành 4 đề tài NCKH từ cấp cơ sở trở lên, trong đó chủ nhiệm 2 đề tài cấp Trường; công bố 28 bài báo khoa học, trong đó 18 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 2 giáo trình.

6) TS. Nguyễn Thị Châu Giang 

TS. Nguyễn Thị Châu Giang tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Toán học và Thạc sĩ ngành Toán học, chuyên ngành Đại số - Lý thuyết số tại Trường Đại học Vinh; được cấp bằng Tiến sĩ ngành Giáo dục học, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán cũng tại Trường Đại học Vinh.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Nguyễn Thị Châu Giang: Cơ sở toán học của việc dạy học toán ở tiểu học; Dạy học tích hợp trong Giáo dục tiểu học; Giáo dục toán thực tế.

TS. Nguyễn Thị Châu Giang đã hướng dẫn 14 thạc sĩ, 4 tiến sĩ; chủ trì và hoàn thành 7 đề tài NCKH cấp cơ sở; công bố 43 bài báo khoa học, trong đó 7 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 3 cuốn sách, trong đó 2 giáo trình và 1 sách tham khảo.


Các nhà giáo đón nhận chứng nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư tại Hà Nội

7) TS. Phạm Thị Hương

TS. Phạm Thị Hương tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Sinh học và Thạc sĩ ngành Sinh học, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Sinh học tại Trường Đại học Vinh; được cấp bằng Tiến sĩ Khoa học giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Phạm Thị Hương: Dạy học và giáo dục theo định hướng phát triển năng lực; Phát triển chương trình đào tạo giáo viên; Chuyển đổi số trong giáo dục.

TS. Phạm Thị Hương đã hướng dẫn 9 thạc sĩ; chủ trì và hoàn thành 2 đề tài NCKH cấp Trường; công bố 42 bài báo khoa học, trong đó có 25 bài báo khoa học trong nước, 6 bài báo Hội thảo khoa học trong đó có 1 bài báo Hội thảo quốc tế, 11 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế (4 bài ISI (ESCI), 5 bài Scopus, 2 bài quốc tế thường); xuất bản 11 cuốn sách, trong đó có 2 giáo trình, 3 sách giáo khoa, 6 sách tham khảo.

8) TS. Phạm Thị Huyền Sang

TS. Phạm Thị Huyền Sang tốt nghiệp đại học ngành Luật học tại Đại học Quốc gia Hà Nội; tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Luật Kinh doanh quốc tế tại Đại học Manchester, Anh Quốc; được cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật Kinh tế tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS. Phạm Thị Huyền Sang: Pháp luật thương mại, kinh tế và pháp luật doanh nghiệp; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

TS. Phạm Thị Huyền Sang đã hướng dẫn 9 thạc sĩ; hoàn thành 5 đề tài và 1 đề án NCKH từ cấp cơ sở trở lên, trong đó chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp Trường, thành viên chính 1 đề tài; đã công bố 19 bài báo khoa học và kỷ yếu khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó 4 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín và thuộc danh mục ISI/Scopus (có 3 bài là tác giả chính và 1 bài là tác giả liên hệ), 4 bài xuất bản sau tiến sĩ và 1 bài thuộc WoS; xuất bản 9 cuốn sách, trong đó có 2 giáo trình.

Xin chúc mừng các nhà giáo của Trường Đại học Vinh được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2023.

TT. ĐHV