Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

Trường Đại học Vinh: Làm tốt công tác đào tạo lưu học sinh nước ngoài

Trường Đại học (ĐH) Vinh được thành lập năm 1959, tiền thân là Phân hiệu ĐH Sư phạm Vinh (1959 - 1962), sau đó là Trường ĐH Sư phạm Vinh (1962 - 2001). Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg về việc đổi tên Trường ĐH Sư phạm Vinh thành Trường ĐH Vinh.
Trong hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã có nhiều đóng góp to lớn, được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2004).
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trường đã có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để xây dựng đơn vị trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, chiến lược đào tạo lưu học sinh được trường đặc biệt chú trọng.
Đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực
Trường ĐH Vinh hiện có 935 cán bộ, công chức, trong đó có 639 cán bộ giảng dạy, 295 cán bộ hành chính. Về chức danh, trình độ đào tạo, trường có 112 tiến sĩ, 364 thạc sĩ, 3 giáo sư, 53 phó giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 121 giảng viên chính và 13 sĩ quan quân đội được biệt phái về công tác tại Khoa Giáo dục quốc phòng. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Vinh đã đào tạo được 70.300 giáo viên, cử nhân khoa học, kỹ sư, trong đó hệ đại học chính quy là 29.700 người ở 53 tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều nước trong khu vực (chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Thái Lan,...).
Quy mô đào tạo của trường ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của nhiều địa phương. Năm học 2010 - 2011, trường đào tạo 46 ngành bậc đại học, trong đó có 15 ngành đào tạo sư phạm, 21 ngành đào tạo cử nhân, 7 ngành kỹ sư; 28 chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ, 10 chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ và 5 môn chuyên bậc THPT... với tổng số hơn 34.000 người học. Trường đã liên kết đào tạo theo phương thức du học bán phần “2 + 2” với các nước Trung Quốc, Thái Lan... Phương thức đào tạo thực hiện theo hệ thống tín chỉ.
Trong những năm qua, trường đã đào tạo được gần 5.000 thạc sĩ, hơn 100 tiến sỹ ở hai lĩnh vực vốn là thế mạnh của trường: khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Đáp ứng nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội, trường cũng liên kết với các trường ĐH có uy tín khác đào tạo thạc sĩ các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, giáo dục... Từ năm 2001- 2008, cán bộ của trường đã chủ trì 19 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 147 đề tài cấp bộ, trong đó có 9 đề tài cấp bộ trọng điểm và 1.555 đề tài cấp cơ sơ.ó
Ngoài cơ sở I (Bến Thuỷ - Trường Thi - TP. Vinh - Nghệ An) rộng 14ha, trường còn có 4 cơ sở khác là cơ sở II thuộc huyện Nghi Lộc với diện tích 258ha, Trại thuỷ sản mặn - lợ tại Nghi Xuân (10ha), Trại thuỷ sản ngọt Hưng Nguyên (5ha), khu ký túc xá sinh viên Hưng Bình (0,6 ha) và 2 văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh và Thanh Hoá.
Mở rộng đào tạo lưu học sinh
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong nước, Trường ĐH Vinh còn nhận đào tạo lưu học sinh (LHS) ở tất cả các trình độ, ngành nghề mà nhà trường có thông qua nhiều hình thức: đào tạo LHS diện học bổng hiệp định, đào tạo LHS diện kết nghĩa giữa các địa phương và diện tự túc kinh phí. Dạy chương trình tiếng Việt và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho cán bộ và HS. Đào tạo đại học hệ chính quy các ngành cử nhân khoa học, kỹ sư và sư phạm. Đào tạo trình độ thạc sĩ các chuyên ngành: Quản lý giáo dục, Giải tích, Hoá vô cơ... Bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở các bậc học: bồi dưỡng giáo viên các môn học phổ thông; cán bộ quản lý giáo dục; trao đổi kinh nghiệm quản lý trường học. Tổ chức các hoạt động văn hoá - xã hội.
Trường còn có mối liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ với Trường Đại học Quốc gia Lào và một số cơ sở giáo dục của nước bạn Lào từ trước năm 2000. Ngày 20/11/2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 11335/ĐH&SĐH về việc đồng ý cho Trường ĐH Vinh đào tạo trình độ đại học cho LHS hệ tự túc Lào và Thái Lan, mở ra hướng phát triển mới cho nhà trường trong quan hệ quốc tế.
Trong 7 năm qua, nhiều LHS tốt nghiệp từ Trường ĐH Vinh bước đầu đã khẳng định được năng lực khi được nhận vào làm việc ở các cơ quan quan trọng tại Lào như: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Quốc hội, Ngân hàng Quốc gia, Ngân hàng Lào - Việt, các trường cao đẳng, đại học...
LHS Lào đã tham gia hầu hết các hoạt động do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường tổ chức: thực hiện đồng phục khi đến trường, tham gia các cuộc thi tìm hiểu, các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hội thi như “Sinh viên thanh lịch”, “Giọng hát hay sinh viên đầu khoá”, “Hội diễn văn nghệ sinh viên nội trú”; tham gia nhiều hoạt động chính trị lớn của tỉnh Nghệ An và của nhà trường như “Gặp gỡ thanh niên hữu nghị Việt - Lào” (2005), Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội hữu nghị Việt - Lào (2007). Đoàn LHS cũng đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ theo truyền thống của dân tộc như Tết Bun Pimay, ngày Quốc khánh 2/12... Trong các hoạt động đó, LHS Lào luôn đem lại những màu sắc riêng, thể hiện nét độc đáo trong văn hoá của nhân dân các bộ tộc Lào, mặt khác cũng khẳng định tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, hai đất nước.
Nhiều LHS đã đạt kết quả cao như: Sysouphanh (45A Chính trị), Nounaline (48B Tài chính ngân hàng) được hiệu trưởng nhà trường tuyên dương trong năm học 2006-2007; Keomany Inthavong, Souphavanh Khounyotha (47A Hóa), Syvay Oudomsouk (47A Toán), Sivone (48 Tiếng Việt) được tuyên dương trong năm học 2007-2008. Ngoài ra, nhiều LHS còn nhận được học bổng tài trợ, phần thưởng từ các tổ chức, cá nhân như: Bounkhong Shihanat (45B Công nghệ thông tin), Khamseng Kheolangsi (45B Quản trị kinh doanh), Kobalom, Bounchanh Khua Po Yang, Sivone (49A Toán), Tole (49K Tin).
Trong thời gian qua, nhà trường đã nhận và trao cho LHS các nguồn học bổng tài trợ của Prudential, Công ty Xi măng Hoàng Mai, Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu IV... Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Nghệ An, các cơ quan, báo, đài trung ương và địa phương tổ chức nhiều sự kiện quan trọng thể hiện mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào: Thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp tới Đài Truyền hình quốc gia Lào như “Đượm tình khúc hát Lăm Vông”, “Bài ca Xamakhi”, “Bản tình ca Việt - Lào”; tổ chức “Liên hoan hữu nghị thanh niên Nghệ An - Xiêng Khoảng - Pôlykhămxay”; tổ chức 3 chương trình tình nguyện hè tại Lào và làng trẻ em S.O.S Vinh...
Hướng tới tương lai
Để phát huy tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu trong nước và nước ngoài, Trường ĐH Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng số suất học bổng hiệp định của Nhà nước Việt Nam cho lưu học sinh Lào tại trường (nhà trường đã và đang đào tạo 700 LHS nhưng chỉ có 5 LHS được cấp học bổng hiệp định). Mặt khác, đa phần LHS Lào học tập tại trường thuộc diện tự túc, với học phí 500 USD /người/năm. Trong khi đó, kinh phí nhà nước Việt Nam cấp cho LHS diện hiệp định cao gấp 3 lần mức thu của trường nên cần có sự hỗ trợ kinh phí giúp nhà trường có điều kiện tổ chức tốt hơn các hoạt động đào tạo đối với LHS Lào, xây dựng quỹ học bổng nhằm khen thưởng, giúp đỡ LHS có kết quả học tập tốt, LHS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, rèn luyện. Đồng thời cho phép trường được đào tạo bậc THPT cho học sinh Lào, đáp ứng nhu cầu rất lớn của bạn, phù hợp khả năng của trường, giảm chi phí cho người học khi tiếp tục học lên đại học. Đối với Đại sứ quán Lào, thường xuyên quan tâm công tác LHS Lào tại Trường ĐH Vinh, kịp thời động viên, khuyến khích LHS không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn để học tập và rèn luyện. Hằng tháng nên có sách báo, tập san chuyên đề về công tác LHS Lào để LHS có thông tin bổ trợ cho các sinh hoạt. Đặc biệt, trong các dịp sơ kết, tổng kết năm học, đề nghị Đại sứ quán Lào nên có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các LHS đạt kết quả cao trong học tập.
Trong những năm tới, Trường ĐH Vinh quyết tâm xây dựng đơn vị thành trường điểm của quốc gia theo đúng tinh thần của Quyết định số 197/2007/QĐ - TTg ngày 28/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng Nghệ An thành trung tâm giáo dục - đào tạo đại học vùng Bắc Trung Bộ. Đầu tư nâng cấp Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế.
 
Tuyết Trang
Báo Kinh Tế Nông Thôn