Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

Trường Đại học Vinh tham quan, học tập tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Thực hiện Sứ mạng xây dựng Trường Đại học Vinh là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế, ngày 19/8/2023, Trường Đại học Vinh cử đoàn cán bộ chủ chốt đến Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tìm hiểu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản trị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Tham gia đoàn có PGS.TS. Nguyễn Hoa Du, Phó Chủ tịch Hội đồng trường; Lãnh đạo các đơn vị: Trường Sư phạm, Viện Nghiên cứu và Đào tạo trực tuyến, Viện Kỹ thuật và Công nghệ, Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Khoa Xây dựng, Phòng Đào tạo, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Quản trị và Đầu tư, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp.


Đoàn công tác của Trường Đại học Vinh chụp ảnh lưu niệm trước Tòa nhà Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đón tiếp đoàn công tác của Nhà trường, về phía Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc; Ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và ươm tạo BizCare, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.

Giới thiệu về Trung tâm, Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết: Trung tâm được xây dựng với mô hình, thông lệ tiên tiến nhất, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Hiện nay, Trung tâm có trụ sở tại Hà Nội và đang xây dựng cơ sở hoạt động tại Hòa Lạc. Vốn đầu tư xây dựng Trung tâm được huy động đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Về cơ cấu tổ chức, Trung tâm được thực hiện quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Đoàn công tác của Trường Đại học vinh tặng quà lưu niệm cho Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia


PGS.TS. Nguyễn Hoa Du, Phó Chủ tịch Hội đồng trường tặng quà lưu niệm cho Ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và ươm tạo BizCare

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Thứ nhất, Trung tâm đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Những đối tác lớn và quan trọng của Trung tâm như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như Station F (Pháp), Brainport (Hà Lan), IMEC, Hub.brussels (Bỉ), Adlershof (Đức)... cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.

Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện - trường hàng đầu trên thế giới. Mạng lưới hiện nay đã phát triển 8 mạng lưới thành phần tại Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và 2 mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ hai, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ về tiếp cận vốn, hỗ trợ về cố vấn, tư vấn các giải pháp. Một số chương trình tiêu biểu gồm: Phối hợp Quỹ đầu tư ADB Ventures hỗ trợ tài chính và đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp Google tập huấn cho các startups; phối hợp tổ chức chương trình VietChallenge tại Hoa Kỳ lựa chọn startup Việt tiềm năng để kết nối đầu tư; tổ chức các chương trình trao đổi startups; các chương trình, hội thảo tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.

Thứ ba, Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện - trường, địa phương, phối hợp liên kết các đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ; phối hợp đối tác Google tổ chức Chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp USAID triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực, phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM, tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến.

Với những kết quả như trên, Trung tâm đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế tiên phong để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: Thứ nhất, trở thành hạt nhân liên kết, thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của các thành tố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước; thứ hai, trở thành đầu mối quốc gia về kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo với nhiều đối tác lớn trên thế giới; thứ ba, trở thành đơn vị tiên phong nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hợp tác, các mô hình ươm tạo, hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Hoa Du, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh nồng nhiệt chúc mừng những kết quả tốt đẹp của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Hiện nay trong định hướng phát triển của Trường Đại học Vinh, Nhà trường đã và đang phấn đấu xây dựng trở thành một Trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Nhà trường rất hy vọng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và nhiều đối tác khác chia sẻ về sự cần thiết, cơ hội và khả năng hợp tác và ý nghĩa to lớn từ đổi mới sáng tạo.


Đoàn công tác của Trường Đại học Vinh tham quan cơ sở vật chất của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu "đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao"; phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Trường Đại học Vinh tiến hành xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Đây là việc làm rất cần thiết và kịp thời, đi đúng hướng, đúng đường. Cùng với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Vinh trong tương lai sẽ là nơi "hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam", trở thành nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác, từ đó, tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả lợi ích, giá trị cho toàn xã hội. Để làm được điều này, ngoài cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, công sức và tâm huyết, Trường Đại học Vinh rất cần có sự hỗ trợ, phối hợp của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Trước mắt, Trường Đại học Vinh đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung tâm tại Cơ sở 2, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng các văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, hội tụ trí tuệ; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; các vườn ươm sáng tạo; hỗ trợ ban đầu cho các startup có trí tuệ, quyết tâm...

TT.ĐHV