Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

Xây dựng môi trường học đường hạnh phúc, an toàn, thân thiện

Trong các ngày 30/9 và 01/10/2022, tại Trường Đại học Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng, công tác học sinh, sinh viên năm học 2022 - 2023 và tập huấn công tác bảo đảm an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học, phòng giáo dục chính trị tư tưởng, công tác học sinh, sinh viên (GDCT&CTHSSV) trong cả nước và báo cáo viên đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.

Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho HSSV trong triển khai nhiệm vụ năm học

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên (HSSV). Thứ trưởng ghi nhận những kết quả, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác này trong năm học 2021-2022, từ đó, gợi mở những định hướng trong năm học 2022-2023.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị

Trong năm học 2021 - 2022, một năm học với rất nhiều cố gắng, ngành Giáo dục đã tập trung tham mưu, ban hành một số văn bản quan trọng như Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 ban hành Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030"; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 02/6/2022 về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viển khởi nghiệp.

Đồng thời, phối hợp tổ chức cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chương trình "Sóng và máy tính cho em", chương trình "Điều ước cho em"…; ban hành các chương trình, kế hoạch giai đoạn, kế hoạch hằng năm về công tác phòng, chống tội phạm; phòng chống mại dâm; phòng chống ma túy, an toàn giao thông...; tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19;…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hoạt động hạn chế, cần khắc phục, liên quan đến tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn cho HSSV trên không gian mạng; tình trạng bạo lực học đường; bố trí cán bộ làm nhiệm vụ này ở một số đơn vị;…

Vì vậy, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo, trước tiên, phải bám sát mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện Đức-Trí-Thể-Mĩ, coi trọng giáo dục các kỹ năng cơ bản, cùng phẩm chất và năng lực HSSV. Đặc biệt, tập trung sâu cho nhiệm vụ xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, lành mạnh, an toàn, thân thiện, lấy người học làm trung tâm tại mỗi cơ sở giáo dục. Chú trọng lan toả hình ảnh học sinh sinh viên tiêu biểu; giúp các em phát huy năng lực và khơi dậy khát vọng, ý chí cống hiến.

Trong triển khai nhiệm vụ năm học, cần coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho HSSV; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, đặc biệt là kỹ năng sống để các em có thể ứng xử, ứng phó với nhiều tình huống, cạm bẫy, cám dỗ, tự tin bước vào cuộc sống.

Cần quan tâm công tác phối hợp với các bộ ngành, sở ngành liên quan. Quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa và hiệu quả, chào mừng 40 năm kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Công tác bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường cũng cần được đầu tư.

Sẽ có những thay đổi căn bản về chất

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV Phạm Hùng Anh đã báo cáo về triển khai một số nội dung trọng tâm trong công tác GDCT&CTHSSV năm học 2022-2023.

Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV Phạm Hùng Anh báo cáo tại Hội nghị

Một trong những mục tiêu quan trọng là "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả". Thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ GDCT&CTHSSV sẽ có những thay đổi căn bản về chất, tập trung vào 3 nhóm trọng tâm: Giáo dục chính trị tư tưởng cách mạng cho HSSV; Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV; Công tác HSSV.

Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV khẳng định, nhiệm vụ này trong thời gian tới cần có những thay đổi mang tính đột phá, dựa trên quan điểm, mục tiêu nhất quán. Cụ thể, về định hướng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục, đặt HSSV là trung tâm trong các hoạt động giáo dục. Nội dung tuyên truyền, giáo dục gắn với định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và gắn với tự chủ đại học. Khuyến khích xã hội hóa giáo dục đối với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo đảm HSSV được tiếp cận với các dịch vụ tốt nhất, từng bước nâng cao kỹ năng, năng lực đáp ứng xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa.

Về phương pháp, Vụ trưởng Phạm Hùng Anh đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt: Văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo; Chế độ, chính sách hỗ trợ đối với HSSV; Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV; Xây dựng văn hóa học đường; Hoạt động tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Kiện toàn bộ máy, tổ chức và năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách GDCT&CTHSSV; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị.

Hội nghị đã dành thời gian lắng nghe đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an trao đổi về công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ đối với HSSV trong các cơ sở giáo dục và giải pháp trong thời gian tới. Đại diện các Sở GDĐT và cơ sở giáo dục đại học cũng đóng góp tham luận và thảo luận về kinh nghiệm, đề xuất.

Quang cảnh Hội nghị

Ghi nhận các ý kiến thảo luận "đúng và trúng", Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả Chỉ thị năm học và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GDĐT. Kiện toàn, tổ chức hiệu quả bộ máy thực hiện nhiệm vụ GDCT&CTHSSV tại địa phương, nhà trường. Thực hiện đầy đủ, kịp thời về chế độ chính sách, điều kiện học tập và rèn luyện cho HSSV, đặc biệt là đối tượng chính sách, đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19.

Các cơ sở đào tạo giáo viên nghiên cứu xây dựng các chuyên đề, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm của nhà giáo tại các địa phương thiết thực hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn trong trường học, xây dựng nội dung, cách thức và hình thức giáo dục phù hợp.

Về phía Bộ GDĐT, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước. Vụ GDCT&CTHSSV với vai trò đầu mối cần chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình để phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ban, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự và công tác HSSV trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị, báo cáo viên Bộ Công an chia sẻ về các chuyên đề: Một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý những nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật trên không gian mạng đối với ngành Giáo dục, Thực trạng tình hình tội phạm hiện nay, những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tội phạm và xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Các Sở GDĐT và cơ sở giáo dục đại học cũng tiếp tục đóng góp tham luận và thảo luận tại hội nghị.

Nguồn: Bộ GD&ĐT