Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 [14:30:03 (GMT+7)]

GS.NGND Nguyễn Thúc Hào "Nhớ lại những ngày thành lập trường"

            Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thúc Hào – Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Vinh - sinh ngày 06 tháng 8 năm 1912 ở làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
            GS.NGND Nguyễn Thúc Hào từng học và dạy tại Trường Quốc học Huế, từng giữ các chức vụ: Thanh tra Trung học Trung bộ, Giám đốc Trung học Trung bộ, Tổng thư kí kiêm quyền Giám đốc Đại học Khoa học Hà Nội, tham gia Ban Giám đốc Trường dự bị đại học và sư phạm cao cấp ở Liên khu 4, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh, là đại biểu Quốc hội của tỉnh Nghệ An (khoá II, III, IV - từ 1960 đến 1975), Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tỉnh Nghệ An (1960-1972), là đại biểu tham dự Hội nghị chính trị đặc biệt do Hồ Chủ tịch triệu tập (27/3/1964), Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (1962-1987), uỷ viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt - Pháp, Việt – Nga,…
              GS.NGND Nguyễn Thúc Hào là một nhà khoa học tài năng, một nhà giáo mẫu mực, một nhà quản lý giáo dục giỏi, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, đặc biệt là có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trường Đại học Vinh. Đạo đức, nhân cách, tài năng của GS. NGND Nguyễn Thúc Hào được các thế hệ cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh, các thế hệ đồng nghiệp - học trò và nhiều người ngưỡng mộ. Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cho các hoạt động khoa học – giáo dục và hoạt động xã hội, GS.NGND Nguyễn Thúc Hào đã đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến (hạng ba, hạng nhì), Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất,.. và nhiều phần thưởng cao quý khác.
           Hướng tới các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường, xin giới thiệu lại một bài viết của GS.NGND Nguyễn Thúc Hào
 
                                                        NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG
                                   (Bài viết nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Trương, tháng 11/1984)
 
           Năm 1959, mùa hè, tách ra từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh được thành lập. Trước hết là vì yêu cầu cấp bách đào tạo giáo viên cho cấp 3, tức là tăng cường các trường phổ thông cấp 3 và do đó mà có điều kiện mở rộng và phát triển đại học. Đồng thời cũng là yêu cầu đấu tranh chính trị: phải có một cơ sở văn hoá cao – trường đại học – hướng về miền Nam, học sinh, sinh viên, trí thức miền Nam. Đối với tôi thì Nghệ An lại là quê. Nghệ An còn là quê Bác và của phong trào Xô Viết 1930. Có người đã nói trường là “Ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viét”. Cái gì mới sinh ra đều bé nhỏ. Trường mới đầu chỉ có 17 cán bộ giảng dạy, khoảng một trăm rưỡi sinh viên cho 2 ngành văn và toán. Nhóm cán bộ quản lý và giảng dạy được giao nhiệm vụ thành lập trường có đầy đủ nhiệt tình và ý thức được mình đang đặt nền móng cho một cơ sở văn hoá khoa học của chế độ mới, một nhà trường đại học xã hội chủ nghĩa.
Trường lớn lên như Phù đổng. Năm 1961, trường cho ra khoa tốt nghiệp đầu tiên, “Gagarin”, cũng đi lên vũ trụ ! Đến 1964 thì số sinh viên đã lên tới 900, tức gấp 6 lần ban đầu. Sau cuộc hành trình sơ tán ở Thanh Hoá, lúc trở về Nghệ An thì số học sinh đã vượt quấ 3000. Số cán bộ quản lý và giảng dạy cũng tăng lên tương xứng.
              Còn về chất lượng, từ hệ 2 năm, qua hệ 3 năm rồi đến hệ 4 năm, từ 2 ngành Toán và Văn, dần dần có thêm Lý, Hoá, Sinh, Sử. Có một lúc nào đó đã hình thành khoa Địa ở Thanh Hoá. Cán bộ có trình độ phó tiến sĩ hoặc tương đương ngày càng đông, làm cho chất lượng giảng dạy ngày càng cao.
              Trường Đại học sư phạm Vinh là trường đầu tiên mở lớp đại học ban đêm và đại học hàm thụ trên miền Bắc.
            Đất nước hoàn toàn giải phóng! Chi viện miền Nam, Trường gửi cán bộ đi Huế, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quy Nhơn, góp phần xây dựng ngành đại học sư phạm cho miền Nam giải phóng.
          Ngày nay, trong hoàn cảnh ổn định, trường nhận thức trở lại vai trò, vị trí của mình hiện nay, kế thừa cả quá trình lớn lên, vai trò, vị trí của mình hiện nay gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong cả nước, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc hậu phương lớn. Trường ta không chịu co mình lại mà vươn lên, giữ lấy vị trí thứ hai xưa kia, khi mới thành lập. Vị trí thứ hai, không phải về quy mô, về địa bàn, mà là về chất lượng đào tạo. Đào tạo cho cải cách giáo dục ở cấp 2 và trung học. Nếu có kém thì cũng chỉ được phép kém Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà thôi! Biết đâu lại có mặt nào đó tốt hơn?
         Nhưng cần có cơ sở vật chất xứng đáng. Giảng đường, phòng thí nghiệm, vườn thí nghiệm, xưởng, thư viện, phải có “trường ra trường, lớp ra lớp”. Mà là trường “đại học”, hơn nữa lại là “đại học sư phạm”! Tôi cứ nghĩ là phải dựa vào tỉnh nhà, Nghệ Tĩnh quê hương, nhân dân Nghệ Tĩnh góp sức chăng? Tại sao thành phố đỏ, thành phố anh hùng, thành phố Vinh lại không có được một trường đại học “đàng hoàng” (chưa nói là “to đẹp”). Đã 10 năm rồi, vẫn thế. Trường cố sức mình, cùng với địa phương, phần nào có viện trợ của Trung ương mà xây dựng dần dần, từng năm, từng phần cái trường sở cần có của mình có được không ?
        Ngót nửa phần thời gian phục vụ nền giáo dục cách mạng của tôi là dành cho Trường Đại học Sư phạm Vinh. Lúc Trường được thành lập thì tôi cũng đã 47 tuổi, nghĩa là không phải ở độ tuổi thanh niên, mà sao lúc đó mình hăng thế, phấn chấn thế, lạc quan thế ? Tin tưởng chắc chắn rằng việc mình đang làm là đáng làm, nên cứ lao vào công việc. Nay tuổi quá 70 rồi, có muốn cũng chẳng góp được thêm gì cho     Trường. Chỉ còn trong mơ ước, mơ tưởng về Trường, về tương lai của Trường, sự nghiệp lâu dài hàng trăm năm của Trường sau này. Ước mơ rằng Trường sẽ lớn dần lên, đẹp về hình dáng và tâm hồn, một trường đại học có truyền thống tốt đẹp trong những trường đại học có truyền thống tốt đẹp nhất của nước ta.
        Tôi đặt nhiều hy vọng, tin tưởng vào các đồng chí cán bộ và sinh viên ngày nay đang vượt bao nhiêu khó khăn để duy trì và phát triển một gia tài quý báu. Cái gì xưa kia chúng tôi không làm được thì rồi đây các đồng chí sẽ làm. Tôi cũng đặt nhiều hy vọng vào các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà, song rất mong các đồng chí sẽ coi trường là của địa phương Nghệ Tĩnh, của quê hương Bác, của quê hương Xô Viết. Thành phố Vinh phải có một trường đại học xứng đáng với tầm vóc, với truyền thống anh hùng của mình. Và trường cũng phải vươn lên để xứng đáng với Vinh, với Nghệ Tĩnh! Đó là điều mong muốn thiết tha của tôi đối với Trường thân yêu.
                                         GS.NGND Nguyễn Thúc Hào
                Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh (giai đoạn 1959-1974)