Khoa Sư phạm Toán học - 55 năm xây dựng và trưởng thành
PGS.TS. Nguyễn Thành Quang,
Bí thư Đảng bộ bộ phận, Trưởng khoa
Ngày 16/7/1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh (nay gọi là Trường Đại học Vinh). Khoa Toán học (tiền thân là Ban Toán - Lý) là một trong hai khoa được thành lập đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Vinh, với 4 nhóm chuyên môn: Giải tích, Đại số, Hình học, Phương pháp dạy học Toán. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa vào thời điểm đó chỉ có 7 thầy giáo, trong đó có Cố Giáo sư Nguyễn Thúc Hào là người Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường. Sự ra đời của Khoa Toán học, là một trong những viên gạch đầu tiên xây dựng trường Đại học Vinh thành trung tâm đào tạo giáo viên toán có chất lượng, trung tâm nghiên cứu toán học có uy tín như hiện nay.
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1975), để duy trì và phát triển sự nghiệp đào tạo, Khoa đã cùng Trường sơ tán về các vùng nông thôn và miền núi của hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá, bắt đầu một giai đoạn đào tạo trong chiến tranh, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn và sẵn sàng chiến đấu. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều thầy giáo và sinh viên của Khoa đã lên đường chiến đấu, với tinh thần tất cả vì độc lập và tự do của Tổ quốc.
Tháng 10 năm 1966, theo quyết định của Bộ Giáo dục, lớp Toán đặc biệt, gồm 36 học sinh, trực thuộc Khoa, được thành lập. Đây là một trong ba khối phổ thông chuyên toán đầu tiên trong cả nước, là tiền thân của Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh ngày nay. Nhiều thầy giáo có kinh nghiệm và tâm huyết trong giảng dạy của Khoa đã có công lao trong đào tạo nhiều khoá học sinh chuyên toán. Nhiều học sinh chuyên toán của Trường nay đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giữ những trọng trách quan trọng trong các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, quân đội và các doanh nghiệp. Thành tích của các học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tại các kỳ thi vô địch toán quốc tế (IMO) là một trong những niềm tự hào của Nhà trường.
Trong những năm khó khăn về kinh tế của đất nước sau chiến tranh (1978 - 1985), Khoa đã cố gắng vươn lên hoàn chỉnh chương trình giảng dạy và mở ra các hướng đào tạo mới. Hoạt động nghiên cứu khoa học và tự bồi dưỡng trong giai đoạn này được Khoa hết sức chú trọng. Công tác biên soạn, biên dịch các tài liệu, giáo trình được triển khai mạnh mẽ. Nhiều thầy giáo trong Khoa đã được Nhà nước cử đi làm công tác chuyên gia giáo dục, góp phần xây dựng đất nước và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế.
Về đào tạo sau đại học, năm 1976, Khoa được giao nhiệm vụ mở hệ bồi dưỡng sau đại học; năm 1993, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ. Đây là một bước tiến mới trong hoạt động đào tạo của Khoa. Hiện nay, Khoa đang đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ với 5 chuyên ngành: Toán giải tích, Đại số và Lý thuyết số, Hình học và Tôpô, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán, Lý thuyết Xác suất và Thống kê toán học. Với những nỗ lực lớn của các cán bộ của Khoa và sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, Khoa đã đào tạo được nhiều tiến sĩ và thạc sĩ toán học.
Năm 2001, Trường Đại học Sư phạm Vinh đổi tên thành Trường Đại học Vinh. Với nhiệm vụ mới của Nhà trường, Khoa thực hiện đa dạng hóa các ngành đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở coi trọng chất lượng đào tạo, trong đó lấy chất lượng ngành sư phạm làm khâu then chốt và coi trọng sự cân đối giữa qui mô đào tạo và chất lượng đào tạo. Từ chỉ có duy nhất một ngành đào tạo cử nhân sư phạm toán học tới nay Khoa đã có 3 ngành đào tạo chính: cử nhân sư phạm toán học, cử nhân toán học, cử nhân toán ứng dụng. Ngoài ra, Khoa còn đảm nhận giảng dạy các học phần toán cho các khoa và Trường trung học phổ thông Chuyên của Nhà trường. Khoa đã hoàn thành bộ chương trình giáo dục đại học theo hệ thống tín chỉ ngành sư phạm toán học, trong khuôn khổ của Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đội ngũ cán bộ đã hoặc đang giảng dạy tại Khoa Toán – Trường Đại học Vinh có: 1 nhà giáo nhân dân, 17 nhà giáo ưu tú, 3 giáo sư, 30 phó giáo sư, 84 tiến sĩ. Tại thời điểm hiện nay, Khoa có 30 giảng viên có học vị tiến sỹ, đạt tỉ lệ 75%, trong đó có 1 giáo sư, 7 phó giáo sư; ngoài ra còn có 7 giảng viên trẻ đang làm nghiên cứu sinh, 3 người làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Giảng viên của Khoa, sau bảo vệ luận án tiến sĩ vừa phát huy được hiệu quả trong giảng dạy, vừa tiếp tục thu được các kết quả nghiên cứu mới có ý nghĩa khoa học. Hiện Khoa có nhiều giảng viên trẻ có năng lực và triển vọng, là niềm hy vọng trong sự phát triển tương lai của Nhà trường. Nhận thức rằng, mọi quá trình đào tạo, cuối cùng đều đưa về quá trình tự đào tạo (tự học – tự giáo dục), nên tự đào tạo luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên đối với mỗi giảng viên của Khoa. Nhà trường và Khoa đã tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, thực tập khoa học. Khoa chủ động mời các chuyên gia trong và ngoài nước thường xuyên tới giảng dạy, trao đổi để các giảng viên, sinh viên có cơ hội học tập, giao lưu. Trong hai năm 2013, 2014 đã có 10 lượt giảng viên của Khoa được mời đến làm việc biệt phái tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, với sự tài trợ kinh phí của Viện.
Về công tác học viên và sinh viên, Khoa có 23 sinh viên đạt giải cao trong hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có 2 giải Nhất và 5 giải Nhì. Tập thể sinh viên của Khoa đạt được tổng cộng 140 giải (25 giải nhất, 2 giải đặc biệt đạt điểm tuyệt đối 30/30) trong các kỳ thi Olimpic Toán học sinh viên toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Toán học Việt Nam đồng tổ chức từ năm 2000 đến năm 2014. Có 162 sinh viên tốt nghiệp tại khoa Toán đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong và ngoài nước, trong đó có 2 nhà giáo được phong chức danh giáo sư, 02 cựu sinh viên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, 02 cựu sinh viên được nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học của Viện Toán học. Năm 2013, sinh viên Nguyễn Thị Liên sinh viên ngành sư phạm toán học của Khoa đã đạt Huy chương Bạc về giảng dạy trong Hội thi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc. Hàng năm, nhiều học bổng có giá trị cao từ Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Quỹ học bổng Odon Vallet, Trường Đại học Vinh,... đã hỗ trợ và động viên hiệu quả cho các sinh viên và học viên của Khoa có kết quả học tập xuất sắc.
Về công tác nghiên cứu khoa học, Toán học là một trong những ngành khoa học của Trường Đại học Vinh có số công trình công bố quốc tế cao nhất. Khoa có trên 500 công trình công bố trên các tạp chí Toán học chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có trên 200 công trình được trích dẫn bởi Tạp chí Mathematical Reviews của Hội Toán học Mỹ; 80 bài báo được đăng trên các tạp chí được ISI xếp hạng; công bố hơn 200 bài báo về khoa học giáo dục trên các tạp chí nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước và tạp chí khoa học của các trường đại học; hoàn thành 10 đề tài cấp Nhà nước, 30 đề tài cấp Bộ. Nhiều giảng viên hiện đang công tác tại Khoa đã có công trình công bố trên các tạp chí toán học có uy tín cao và đã tham gia giảng dạy hoặc báo cáo khoa học tại nhiều nước trên thế giới (14 giảng viên có công trình khoa học công bố thuộc danh mục ISI; 06 giảng viên có từ 10 công trình trở lên được trích dẫn bởi Tạp chí Mathematical Reviews của Hội Toán học Mỹ). Nhiều cán bộ của Khoa được mời tham gia phản biện cho các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Các hướng nghiên cứu khoa học mũi nhọn của Khoa hội nhập được với cộng đồng toán học trên thế giới. Đó là các hướng nghiên cứu về: các định lý giới hạn trong lý thuyết xác suất do GS. Nguyễn Văn Quảng chủ trì; vi phân hàm đa trị của TS. Nguyễn Huy Chiêu; môđun Buchsbaum của TS. Nguyễn Thị Hồng Loan,... Một số kết quả nghiên cứu của giảng viên trong Khoa đã được nhiều công trình toán học công bố quốc tế và các luận án tiến sĩ bảo vệ ở nước ngoài trích dẫn.
Về hợp tác quốc tế, Khoa đã ký kết một thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu với Trung tâm Quốc tế Vật lý Lý thuyết (ICTP), từ năm 2008. Đã có 5 giảng viên của Khoa được đi thực tập khoa học tại Trieste (Italy) với kinh phí do phía bạn tài trợ. Khoa hợp tác có hiệu quả với tổ chức Formathvietnam, đã có 4 giảng viên của Khoa đi thực tập khoa học tại Trường Đại học Grenoble I và Viện Toán học Fourier (Cộng hòa Pháp) với kinh phí do Formathvietnam tài trợ. Giảng viên của khoa đã tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên toán phổ thông của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và các tỉnh Nakhon Phanom, Maha Sarakham (Thái Lan)...
Cùng với những thành tựu đã đạt được, sự nghiệp phát triển của Khoa còn nhiều thách thức, trong đó chủ yếu nhất là chương trình đào tạo chưa thật sự đáp ứng cao yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã bày tỏ quan điểm của mình về thách thức này, đồng thời chỉ rõ các nguyên nhân. Trong thời gian tới, các giải pháp chủ yếu của Khoa là tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, chuẩn hóa tài liệu và giáo trình nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một xã hội học tập, trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Khoa Sư phạm Toán học - Trường Đại học Vinh, quyết tâm tập trung trí tuệ và công sức, phấn đấu giữ vững và nâng cao được chất lượng đào tạo. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Khoa sẽ tạo ra được những đổi mới thực sự về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.